Bất cập từ thực thi Luật Đấu giá tài sản

(BĐT) – Tính đến thời điểm này, Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) đã có hiệu lực được 4 tháng. Để hướng dẫn thi hành Luật, thời gian qua, các nghị định, thông tư đã được ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều tổ chức bán ĐGTS và chủ tài sản cho biết đã phát sinh một số bất cập từ các quy định mới.

Những cuộc đấu giá có giá trị thấp (dưới 50 triệu đồng) thường không thu hút được sự quan tâm của các tổ chức bán ĐGTS

Những cuộc đấu giá có giá trị thấp (dưới 50 triệu đồng) thường không thu hút được sự quan tâm của các tổ chức bán ĐGTS

Yêu cầu bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp

Điều 20 của Luật ĐGTS quy định: “Đấu giá viên tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức ĐGTS hoặc tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Tổ chức ĐGTS, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình”.

Với quy định nêu trên, trách nhiệm của người mua bảo hiểm cho đấu giá viên là khá rõ, tuy nhiên, số tiền để mua bảo hiểm cho đấu giá viên là bao nhiêu và đối với Trung tâm Dịch vụ ĐGTS, việc mua bảo hiểm này dùng tiền  từ nguồn nào vẫn là vấn đề khiến nhiều tổ chức bán ĐGTS băn khoăn.

Ông Ngô Điền Long, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS tỉnh Bình Phước cho biết, thực tế hiện nay các trung tâm dịch vụ bán ĐGTS hoạt động theo nhiều mô hình khác nhau. Có những trung tâm có kinh phí hoạt động tự chủ 100%, hoặc tự chủ một phần, nhưng cũng có trung tâm được Nhà nước đảm bảo kinh phí 100% hoạt động. Khi vấn đề này còn chưa có quy định cụ thể thì việc các trung tâm dịch vụ bán ĐGTS tham dự các cuộc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS tại các đơn vị chủ tài sản sẽ còn gặp khó.

Thực tế cho thấy, có nhiều cuộc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS đã đưa quy định về bảo hiểm trách nhiệm của đấu giá viên là một trong những quy định bắt buộc, phải có trong hồ sơ dự lựa chọn tổ chức đấu giá. Đơn cử, trong một thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS đối với 5,03 ha cây cao su tại Nông Lâm trường Nghĩa Trung của Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé vừa diễn ra trong tháng 10/2017, đơn vị chủ tài sản đã yêu cầu một trong những tiêu chí mà tổ chức bán ĐGTS phải nêu rõ trong hồ sơ tham dự cuộc lựa chọn tổ chức ĐGTS là đấu giá viên đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Cụ thể là, đơn vị tham gia nộp hồ sơ phải có tối thiểu 2 hồ sơ của đấu giá viên có đầy đủ bản sao thẻ đấu giá viên, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên.

Lo ngại thù lao bán đấu giá quá thấp

Để lựa chọn tổ chức bán ĐGTS một cách công khai, minh bạch, Luật ĐGTS đã dành Điều 56 để quy định về vấn đề này. Ông Ngô Điền Long bày tỏ quan điểm, việc thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS theo Điều 56 là cần thiết. Song, để thực thi một cách trọn vẹn quy định này thì thực tiễn vẫn còn một số bất cập.

Ông Long dẫn chứng, hiện nay, đối với những loại tài sản nhỏ, có giá trị thấp (dưới 50 triệu đồng) thì việc chủ tài sản đăng thông báo lựa chọn tổ chức bán ĐGTS sẽ không thu hút được các tổ chức bán ĐGTS tham dự. Cụ thể, theo quy định của Thông tư 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 quy định khung thù lao dịch vụ ĐGTS theo quy định tại Luật ĐGTS, với tài sản dưới 50 triệu đồng thì nếu tổ chức bán ĐGTS bán đấu giá thành công tài sản này thì sẽ được hưởng mức thù lao tối đa là 8% giá trị tài sản bán được.

Như vậy, nếu tài sản dưới 50 triệu đồng mà tổ chức bán ĐGTS bán được thành công với giá bán là 50 triệu đồng, thì mức thù lao tối đa mà tổ chức bán ĐGTS sẽ nhận được là 4.000.000 đồng. Để tạo điều kiện cho các tổ chức bán ĐGTS có doanh thu, Điều 3 của Thông tư 45/2017/TT-BTC cũng đã nới mức thù lao tối thiểu cho 1 hợp đồng dịch vụ ĐGTS trong trường hợp đấu giá thành công là 1 triệu đồng/hợp đồng. Song, theo một tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, mức thù lao này vẫn không đủ để doanh nghiệp thực hiện phiên đấu giá, chứ chưa nói đến có thù lao, lợi nhuận.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu về Bảng chào giá mức thu phí thù lao đấu giá, một doanh nghiệp bán ĐGTS cho biết, để tổ chức 1 phiên bán ĐGTS dưới 50 triệu đồng thì tổ chức bán ĐGTS phải chi ra các khoản phí: chi phí đăng báo, chi phí dán niêm yết và tổ chức cho khách hàng xem tài sản, chi phí soạn thảo, in ấn hồ sơ đấu giá, chi phí tổ chức phiên đấu giá… Do đó, thù lao đấu giá không đủ chi phí để các tổ chức đấu giá tham gia thực hiện.

Trước thực trạng đó, ông Ngô Điền Long đề xuất, đối với những loại tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng thì nên cho phép người có tài sản tự lựa chọn và ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá với tổ chức bán ĐGTS để tạo điều kiện cho việc bán ĐGTS được thuận lợi nhất. Vì trên thực tế, với việc thẩm định giá khởi điểm đã khá chuẩn xác như hiện nay, việc bán được vượt so với giá trị tài sản là không dễ dàng, nên rất khó xảy ra tiêu cực trong việc bán những tài sản có giá trị thấp.

2018-12-28T20:15:10+00:00

Hotline:
0964 478 877